Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

A Di Đà

A DI ĐÀ 
Một số người trong hàng ngũ phật tử chúng ta thường có thái độ không đúng là xếp kinh A Di Đà đằng sau những quyển kinh có giá trị khác. Theo họ, có thể kinh Di Đà không hàm chứa những nguyên lý Phật học và cũng có thể kinh Di Đà chỉ là một huyền thoại về cực lạc tây phương.
 Trước hết, chúng ta phải tin tưởng rằng sự hiện hữu của Đức A Di Đà là có thật. Bởi vì, như Phật đã dạy, trong quá khứ, trong hiện tại cũng như trong tương lai, không phải một mình Đức Thích Ca mới là người chứng được tuệ giác, số Phật nhiều không thể đếm được như số cát sông Hằng.
 Vã chăng, đứng trên phương diện tuyệt đối mà nói, thì một Thích Ca hay một Di Đà đều chỉ là những hóa thân của thực tại, tất cả những hóa thân đó đều soi chiếu lẫn nhau, biến hiện lẫn nhau, dung hợp lẫn nhau trong một Pháp thân thường trú. Thích Ca hay Di Đà, trên chót vót của tuệ giác, chỉ là một, đều là hình ảnh của thực tại vô tận, vô cùng.
 Một khi đã tin tưởng về sự hiện hữu của Đức A Di Đà, chúng ta không thể nào không tin tưởng về một cực lạc thế giới ở phương tây. Đó không phải là một thế giới do thần thông biến hóa, mà chỉ là kết quả của tâm niệm.
 Mỗi Đức Phật đều có những bản nguyện phát khởi bởi tâm Bồ Đề. Mỗi khi nguyện đã phát, thì Hạnh phải xuất hiện. Nguyện để thực hiện cho Hạnh, và Hạnh để hoàn thành cho nguyện. Cực lạc thế giới chính là Hạnh của 48 lời nguyện vĩ đại của Đức A Di Đà vậy.
 Sở dĩ chúng ta không nhìn thấy được sự hoạt hiện của thế giới đó là vì tâm tưởng và hạnh nguyện không đồng. Chúng ta nên biết rằng, không có thế giới nào phát sinh ngoài tâm niệm. Nếu cùng có tâm tưởng và hạnh nguyện như Đức A Di Đà, thì chúng ta sẽ đi vào cực lạc thế giới tức khắc.
 Sau nữa chúng ta cũng nên nhớ rằng, dù Tây phương hay dù Đông phương, cực lạc thế giới không thể nào nằm ngoài tâm thể chúng ta, và cũng chẳng có một Đức Di Đà nào tồn tại ở ngoài tâm thể chúng ta.
 Một khi nào niệm quán Đức Phật A Di Đà, chúng ta đình chỉ những tạp niệm vọng động bên ngoài và để mình thể nhập vào sâu thẳm tâm thể của chính mình, thì trong phút giây đó, chúng ta đi vào cực lạc thế giới của chúng ta, và chính chúng ta cũng là A Di Đà chứ không ai khác. Một khi đã kết hợp với thực tại và trở nên thực tại, thì chúng ta cũng chính là Phật.
 Căn bản của kinh A Di Đà là như thế, là thuần niệm để kết hợp với chân thực tại, với tuệ giác tuyệt đối. Thế giới cực lạc chỉ là một viễn tượng, còn sự dấn thân của chúng ta là tự lực và tự cứu. Công việc tiếp dẫn của A Di Đà chỉ là mối liên hệ tương ứng giữa tuệ giác siêu thoát với thực tại siêu thoát mà thôi. A Di Đà chính là thực tại siêu thoát. Trạng thái Chánh Định của chúng ta là tuệ giác siêu thoát.
Tiếp dẫn, trong nhận định đó, phải hiểu như một thứ liên giao, thể nhập. Và bằng ý nghĩa đó, thì Tịnh Độ Tông với Thiền Tông đều cùng chung mục đích.
 Kỷ niệm vía A Di Đà, chúng ta phải nhận thức sâu xa vấn đề “ Tâm bình thì thế giới bình, Tâm tịnh thì thế giới tịnh”. Với phương tiện dẫn dụ, thì Tây phương cực lạc được xem như một viễn tượng và A Di Đà là một tha lực làm nơi nương tựa tinh thần. Nhưng với chân lý thì Tây phương cực lạc chỉ là hình bóng của Tâm thể tuyệt đối chúng ta, và A Di Đà chính là ý chí tự lực thực hiện bằng hạnh nguyện.
 Chúng ta phải tin có Đức A Di Đà và có Tây phương cực lạc, tin có Đức A Di Đà và có Tây phương cực lạc, là tin có Tâm thể giác chiếu, là tin có khả năng biến hiện, khả năng hoán cải, khả năng cách mệnh và khả năng tự lực thành Phật.
 Tin như vậy không phải là tin ở tha lực cứu rỗi, mà tin ở ý chí nội tại. Tin như vậy là tự tín. Có Tín mới nỗ lực hành động ( Hạnh ) trong diệu dụng của Bồ Đề Tâm để thành tựu ý chí thực hiện ( Nguyện ).
 Kỷ niệm vía A Di Đà, ngoài thực tại tuyệt đối, chúng ta còn phải nghĩ đến thực tại tương đối này, một thực tại đầy rẫy khổ đau trầm trọng. Chúng ta phải tin ở khả năng cải tạo của mình, nhứt tâm hoán cải tâm niệm, chuyển bạt nghiệp lực trần gian, để thế giới khổ đau thành thế giới cực lạc.
 Chúng ta phải tin tưởng ở sức mạnh của chúng ta, và tin tưởng về một Tịnh Độ nhân gian đó.
                                                                         
                                                                                      Tịnh Như

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét